(024) 6683 2266 - (028) 3888 2266 | ĐIỂM BÁN
Đề tài Viện Hàn Lâm Khoa Học Công Nghệ
Con trai tôi 6 tuổi (sinh đầu năm 2006), học lớp 1. Cháu thông minh, nhanh nhẹn nhưng chưa ý thức được chuyện học hành nên thường bị điểm kém. Ở nhà tôi phải kèm cháu học 3 tiếng mỗi buổi tối. Hơn 2 tháng nay, cứ ngồi vào bàn học là cháu kêu đau bụng vùng trên rốn. Tôi đưa cháu đi khám mấy lần, bác sĩ đã cho cháu uống thuốc tẩy giun, uống men tiêu hóa nhưng cháu không hết đau. Bác sĩ khuyên tôi cho cháu nội soi dạ dày để chẩn đoán viêm loét. Tôi băn khoăn, tại sao cháu mới 6 tuổi đã có thể bị viêm loét dạ dày? Cháu bé quá liệu có soi được dạ dày không và nên đi soi ở đâu? Càng ngày cháu càng học kém, có biểu hiện sợ học, lười ăn so với trước đây nên tôi rất lo lắng. Bác sĩ hãy cho tôi lời khuyên! (Nguyễn Thúy Ngọc – Ba Đình, Hà Nội).
Trả lời:
Con trai chị đau bụng hơn 2 tháng, đau có đặc điểm giống nhau là xuất hiện khi học và đau trên rốn, kèm theo ăn uống kém, học hành giảm sút, cháu đã tẩy giun và uống men tiêu hóa nhưng không đỡ, nên có thể bị bệnh viêm loét dạ dày tá tràng ở trẻ nhỏ.
Trẻ em có hay bị viêm loét dạ dày tá tràng không?
Trước đây, người dân và ngay cả bác sĩ nhi khoa đều cho rằng, viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh của người lớn, trẻ con không bị. Trong hơn thập kỉ trở lại đây, nhờ có sự tiến bộ của kĩ thuật nội soi tiêu hóa, nhiều trẻ được phát hiện loét dạ dày, bệnh đã được công nhận là phổ biến ở trẻ em.
Theo y văn, năm 1826, bác sĩ người Đức Karl Theodor Ernst von Siebold lần đầu tiên mô tả ổ loét dạ dày lớn ở một cháu bé 2 ngày tuổi, nghĩa là cháu đã bị bệnh dạ dày ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ. Đến nay, các nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh viêm loét dạ dày xảy ra ở mọi lứa tuổi, ngay cả trẻ sơ sinh cũng bị.
Khoa Nhi tiêu hóa Bệnh viện Xanh Pôn cũng đã gặp bệnh nhân 3 tuổi có ổ loét dạ dày lâu ngày. Con chị 6 tuổi, nếu nội soi dạ dày thấy có ổ loét, thì cháu cũng nằm trong nhóm bệnh nhi lứa tuổi học đường có tỉ lệ bệnh dạ dày cao.
Trẻ em nghi ngờ viêm loét dạ dày có thể thực hiện nội soi gây mê để tìm ra ổ loét. Ảnh do bác sĩ cung cấp. Tại sao trẻ lại bị loét dạ dày?
Nguyên nhân loét dạ dày tá tràng ở người lớn hầu hết do vi khuẩn H pylori gây nên. Trẻ em không giống thế, chỉ khoảng 30% có nguyên nhân do vi khuẩn.
Một giả thuyết đưa ra là, có thể do chế độ ăn của trẻ không hợp lí. Tuy nhiên, cho đến nay cả ngành tiêu hóa nhi thế giới chưa đưa ra được tiêu chuẩn chế độ ăn như thế nào để trẻ không bị viêm loét dạ dày. Bác sĩ khuyên các bà mẹ đừng ép con ăn quá nhiều, hạn chế ăn các thức ăn có nhiều loại gia vị gây tình trạng kích thích tăng tiết dịch vị.
Nguyên nhân viêm loét do các thuốc hạ sốt giảm đau cũng được đề cập đến. Nhiều bà mẹ con sốt dưới 38 độ đã sốt ruột tự cho dùng thuốc hạ sốt, thậm chí con kêu đau bụng thì tự cho uống thuốc giảm đau, uống vượt quá liều lượng cho phép… đều là những tác nhân gây loét dạ dày ở trẻ.
Một giả thuyết đang được chú ý nhiều, đó là những căng thẳng trong cuộc sống gây hiện tượng tăng tiết dịch vị làm cho dạ dày trẻ nhanh chóng bị viêm loét. Những stress đáng kể như: bố mẹ li dị, áp lực học hành, những cảm giác mất mát hay thất bại trong cuộc sống, thậm chí là nghiện các trò chơi trực tuyến… Ở những độ tuổi có sự biến đổi tâm lí, rối loạn hành vi cảm xúc cũng nằm trong nhóm nguy cơ cao.
Con trai chị sinh đầu năm 2006, nếu so với các bạn 6 tuổi sinh giữa năm và cuối năm, thì sẽ có sự chênh lệch đáng kể về ý thức tự giác học tập. Ở lứa tuổi này, đặc điểm tâm lí của trẻ là cái tôi mới bắt đầu hình thành và đang hoàn thiện dần. Mới học lớp 1, cả ngày học ở trường, tối về chị lại bắt cháu học thêm 3 giờ nữa, như thế cháu sẽ rất căng thẳng và mệt mỏi về chuyện học hành. Chị nói cháu thường bị điểm kém ở lớp, đấy cũng là một áp lực để các bậc phụ huynh và các thầy cô đáng phải suy nghĩ. Nếu một đứa trẻ đến lớp được khen ngợi, được điểm cao sẽ rất vui, sẽ là động lực khích lệ đứa trẻ học tập ngày càng tiến bộ. Ngược lại, nếu trẻ liên tục bị điểm kém, không nhận được sự động viên từ thầy cô và bố mẹ, sẽ rất nguy hiểm.
Con chị vừa mới đi học được vài tháng, có thể cháu đã phải chịu những áp lực nặng nề về chuyện học hành, đấy cũng là nguyên nhân gây tăng tiết dịch làm cho dạ dày có nguy cơ viêm loét. Hơn nữa, theo như lời chị thì cháu rất thông mình và nhanh nhẹn, có những công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, bệnh viêm loét dạ dày có sự gia tăng ở những trẻ thông minh, nhạy cảm.
Chẩn đoán và điều trị ra sao?
Ngày nay, nhờ kĩ thuật nội soi tiêu hóa có nhiều tiến bộ, nên việc chẩn đoán loét dạ dày tá tràng không còn khó khăn như trước. Trẻ sẽ được soi dạ dày bằng ống soi nhỏ, mềm, được gây mê để trẻ không hề có cảm giác đau và sợ, sau khi soi xong trẻ tỉnh táo bình thường.
Trường hợp trẻ có viêm loét, sẽ được bác sĩ lấy bệnh phẩm tìm vi khuẩn H pylori và các xét nghiệm cần thiết khác để điều trị hợp lí nhất.
Chị có thể đưa cháu đến khoa Nhi tiêu hóa Bệnh viện Xanh Pôn để được khám và điều trị, ở đây có phòng nội soi tiêu hóa chuyên biệt dành cho trẻ em và có gây mê, các bác sĩ sẽ tư vấn cụ thể cho chị.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Nhân Phó trưởng khoa Tiêu hóa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn – Hà Nội