(024) 6683 2266 - (028) 3888 2266 | ĐIỂM BÁN
Đề tài Viện Hàn Lâm Khoa Học Công Nghệ
Tốt nghiệp cao đẳng xong, Trang háo hức chuẩn bị theo nghề hướng dẫn viên du lịch thì tai ương ập đến bởi khối u ác tính đã di căn khắp dạ dày. Người Việt ăn uống 'chung đụng' dễ nhiễm khuẩn gây ung thư dạ dày / Ngày càng nhiều người trẻ bị ung thư dạ dày
Trang phẫu thuật cắt 3/4 dạ dày để điều trị ung thư tại Bệnh viện Đại Học Y Dược TP HCM. Ảnh: NP.
Trang, người dân tộc Châu Ro, quê ở Vũng Tàu là cựu sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Cô gái nhỏ nhắn có nước da ngăm đen, nụ cười tươi, từ nhỏ đã thích làm hướng dẫn viên du lịch vì muốn được đi nhiều nơi, khám phá nhiều cảnh đẹp trong nước và thế giới. Đó là lý do em xin bố mẹ theo học ngành du lịch dù cả gia đình chẳng ai làm nghề này. Trang ham học hỏi, tìm hiểu nhiều nền văn hóa khác nhau và học thêm tiếng Pháp với hy vọng sau này trở thành hướng dẫn viên cho khách du lịch Pháp đến Việt Nam tham quan danh lam thắng cảnh.
Ngày em chờ đợi nhất cũng đã đến, cầm trên tay tấm bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành du lịch, nữ sinh khấp khởi mong ước đi làm ngay. Cha mẹ khuyên em ở nhà nghỉ vài tháng hè và phụ công việc ở rẫy tiêu vài tháng rồi hãy đi làm. Trong thời gian này Trang bắt đầu thấy cơ thể có những biểu hiện khác lạ. "Em ăn uống ngày càng ít, mỗi lần ăn no lại ói, có cảm giác không tiêu, đau bụng ở vùng thượng vị, sụt cân rất nhanh chỉ còn 36 kg", cô gái 9x kể.
Trang cho rằng những triệu chứng này liên quan đến bệnh dạ dày, đoán là viêm hoặc loét. Cô gái tự mua thuốc uống song bệnh không khỏi mà các triệu chứng còn nặng thêm. Khám tại Bệnh viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bác sĩ nội soi nghi ngờ ung thư nên chuyển cô gái đến một cơ sở y tế khác tại TP HCM kiểm tra lại. Kết quả chẩn đoán chỉ là loét dạ dày, không phát hiện ung thư.
Vẫn nghi ngờ, Trang tiếp tục khám và kiểm tra tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM. Bác sĩ chỉ định nội soi dạ dày và giải phẫu bệnh 2 lần vẫn cho kết quả u lành tính. Tuy nhiên dựa vào những triệu chứng lâm sàng, hình ảnh chụp CT scan bụng và kinh nghiệm chuyên môn, các bác sĩ khoa Ngoại Tiêu hóa nghi ngờ bệnh nhân ung thư. Hơn nữa người bệnh có dấu hiệu hẹp môn vị khiến thức ăn vào dạ dày không thoát được gây nôn ói, bắt buộc phải phẫu thuật khơi thông.
Khi mổ nội soi cho bệnh nhân, các bác sĩ phát hiện có khối u ở hang vị đã ăn đến thanh mạc (lớp ngoài cùng của dạ dày), gây bán hẹp môn vị. Ê kíp mổ lập tức cắt khoảng 3/4 dưới dạ dày, nạo hạch rồi nối ruột non liền với phần dạ dày còn lại để tái thông ống tiêu hóa cho bệnh nhân. Sau 3 ngày phẫu thuật, người bệnh phục hồi tốt, ăn uống, đi lại bình thường và được xuất viện. Kết quả giải phẫu bệnh sau đó cho thấy Trang bị ung thư dạ dày đã xâm lấn đến lớp thanh mạc và có di căn hạch, đang ở giai đoạn 3B rất nặng. Sau phẫu thuật, người bệnh được hóa trị tiếp, song tiên lượng thời gian sống còn dè dặt.
Sau khi phẫu thuật, các triệu chứng nôn ói, đau bụng của cô gái đã hết chỉ còn hơi đau ở vết mổ. Hiện mỗi bữa em ăn được khoảng một chén cơm nhỏ. Cô gái trẻ cho biết cả dòng họ không có ai bị ung thư dạ dày, nhiều khả năng em bị bệnh này là do thói quen ăn mặn và đồ nướng nhiều. Vì vậy sau khi phẫu thuật, Trang bắt đầu ý thức ăn nhạt và không dùng đồ nướng nữa.
Mẹ em cho biết từ hôm xuất viện về nhà Trang cứ đòi mẹ cho đi làm hướng dẫn viên du lịch vì sợ "nghỉ lâu sẽ lục nghề". Thương con bệnh tật, người mẹ an ủi, động viên: "Con cố ăn uống, nghỉ ngơi cho khỏe, chờ vài bữa vết mổ lành hẳn rồi ba mẹ cho đi làm".
Bác sĩ Long khuyến cáo bệnh nhân ung thư dạ dày đang có xu hướng trẻ hóa. Theo thống kê của Khoa Ngoại Tiêu hóa, năm 2014 tỷ lệ người bệnh 40 tuổi mắc bệnh ung thư dạ dày là 16% và tăng lên đến 22% trong năm 2015. Đặc biệt có trường hợp bệnh nhân dưới 30 tuổi bị ung thư dạ dày di căn xa không thể phẫu thuật điều trị triệt để được nữa.
Nguyên nhân gây ung thư dạ dày chưa xác định rõ ràng nhưng các yếu tố nguy cơ đã được nghiên cứu và ghi nhận như chế độ ăn nhiều muối, đồ ủ ngâm muối, lên men, thịt hun khói và nướng, thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc hại, thuốc lá, béo phì. Người bệnh bị nhiễm virus HP kết hợp với những yếu tố nguy cơ khác thì tỷ lệ ung thư dạ dày sẽ cao. Đối tượng bị mắc bệnh dạ dày như loét, viêm dạ dày mãn tính, phẫu thuật dạ dày trước, polyp dạ dày, yếu tố di truyền, nhóm máu A, nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn những người bình thường. Người tiếp xúc thường xuyên với nguy cơ này nhiều và lâu ngày cũng có tỷ lệ mắc cao hơn người khác.
Bác sĩ Long khuyên những người thuộc nhóm nguy cơ như trên 40 tuổi, có dấu hiệu đau bụng lâu dài, ăn không tiêu, đầy bụng hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình hoặc nhiễm virus HP lâu dài điều trị không hết nên đi tầm soát ung thư. Phương pháp tầm soát là nội soi dạ dày. Bệnh lý ung thư dạ dày nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm khả năng điều trị khỏi hẳn sẽ rất cao.
Tại Nhật Bản, người trên 40 tuổi sẽ được khám và chụp Barium, nếu có bất thường sẽ được chỉ định nội soi dạ dày. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, chương trình tầm soát được thực hiện 2 năm một lần cho người trên 60 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ gia đình, polyp, loạn sản. Người trên 40 tuổi thì tầm soát 3 năm một lần.
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi